...

[RECAP] VIAC SYMPOSIUM 2024 – Phiên A: Lễ ra mắt Nền tảng Nộp đơn điện tử & Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

04 Tháng 7, 2024

Sáng ngày 26/06 tại Hà Nội, chuỗi sự kiện VIAC SYMPOSIUM 2024 xoay quanh chủ đề “Thương mại và Đầu tư xuyên biên giới trong bối cảnh kinh tế biến động: Tranh chấp & Trọng tài” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tổ chức đã chính thức khai mạc. Phiên mở màn của VIAC SYMPOSIUM 2024 diễn ra với trọng tâm là Lễ ra mắt Nền tảng Nộp đơn điện tử và Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến của VIAC. 

Chương trình diễn ra với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, các Luật sư đến từ các công ty/văn phòng luật sư lớn, các trọng tài viên, hòa giải viên cũng như các đơn vị truyền thông dự trực tiếp tại chỗ và thông qua nền tảng Zoom.

TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VIAC, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu khai mạc sự kiện VIAC SYMPOSIUM 2024

Phát biểu khai mạc, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VIAC, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Kinh tế số hiện là một trong 03 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia. Kinh tế số được triển khai từ nền tảng là các giao dịch thực hiện trên không gian số - Giao dịch điện tử (các Hợp đồng điện tử). Các yếu tố về khung pháp lý để giúp thúc đẩy Hợp đồng điện tử có thể kể đến như Luật Giao dịch điện tử, Định danh điện tử, Chữ ký điện tử, chứng thực giao dịch điện tử, đang được các Bộ, Ngành cho triển khai mạnh mẽ. Các chỉ số thương mại điện tử cũng cho thấy những tiềm năng của nền kinh tế số ở Việt Nam: Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 14,7 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 23,77 tỷ USD vào năm 2029. Mua sắm hàng hóa qua TMĐT hiện đã trở thành phương thức phân phối chủ yếu, phát huy hiệu quả, góp phần duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi lưu thông. 

Nhìn sâu hơn ở góc nhìn vi mô, hợp đồng điện tử cũng như các hợp đồng thông thường, muốn được các chủ thể dân sự sử dụng thì cần có các yếu tố đảm bảo cho việc giao kết, việc thực hiện và nếu trong quá trình thực hiện gặp trục trặc thì phải có cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng hiệu quả. 

“Nền tảng nộp đơn điện tử và quản lý vụ tranh chấp trực tuyến mới mà VIAC ra mắt ngày hôm nay sẽ là cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng phù hợp cho các hợp đồng điện tử, góp phần vào mục tiêu hướng tới Kinh tế số của đất nước”, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ. 

Bà Nguyễn Khánh Cẩm Châu, Trưởng nhóm Phát triển Kinh tế, kiêm cố vấn phát triển số, USAID Việt Nam 

Đại diện USAID, Bà Nguyễn Khánh Cẩm Châu, Trưởng nhóm Phát triển Kinh tế, kiêm cố vấn phát triển số, USAID Việt Nam chia sẻ với sự hợp tác của VIAC, USAID Việt Nam đã và đang cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật, các khóa đào tạo chuyên sâu để thúc đẩy hoạt động ADR tại Việt Nam. VIAC SYMPOSIUM 2024 là sự kiện tiếp tục chuỗi hoạt động hợp tác đó, với trọng điểm sẽ tập trung phân tích những biến động kinh tế và hy vọng qua các Phiên thảo luận này thì sẽ cùng nhau tìm ra các biện pháp để tháo gỡ. Đồng thời, đây cũng là dịp VIAC và USAID giới thiệu về sản phẩm hợp tác chặt chẽ giữa hai bên trong suốt hai năm qua – VIAC eCase, Nền tảng Nộp đơn Điện tử và Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến. 

“USAID nỗ lực hỗ trợ Việt Nam để đảm bảo Việt Nam hoạt động hiệu quả và toàn diện trong việc giải quyết các thách thức phát triển của chính mình, bao gồm xây dựng một hệ thống trọng tài minh bạch, hiệu quả và hiện đại. Mục tiêu là đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về đầu tư trong và ngoài nước cũng như các hoạt động thương mại đa phương trong kỷ nguyên số, giúp tăng niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp thúc đẩy môi trường bền vững. Thị trường kinh doanh minh bạch, công bằng, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam”. 

 

Ông Phạm Quốc Hưng – Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao 

Đánh giá cao VIAC đã có phương thức thụ lý và giải quyết các vụ việc trên nền tảng số, ông Phạm Quốc Hưng – Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết: Những năm gần đây, các quốc gia trên thế giới đã đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động tài phán để đáp ứng yêu cầu của nhân dân cũng như phát triển đất nước. Những quốc gia quan tâm ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực tài phán, kể cả tài phán công và tài phán tư đều đạt nhiều hiệu quả tích cực.  

“Với VIAC eCase, doanh nghiệp có thể ngồi ngay tại nhà hoặc tại công ty, sử dụng thiết bị công nghệ kết nối mạng Internet để gửi đơn tới cơ quan yêu cầu giải quyết. Do vậy, việc áp dụng nền tảng này sẽ tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, tránh rủi ro giao thông và nhiều tác động tiêu cực xã hội khác”, ông Phạm Quốc Hưng chia sẻ. 

Với VIAC, việc triển khai nền tảng eCase sẽ giúp trung tâm quản lý chặt chẽ, chính xác những thông tin về các vụ việc đang diễn ra; tạo tiền đề để xây dựng cơ sở dữ liệu của trọng tài. Đây sẽ là dữ liệu rất quan trọng để VIAC có thể triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ trong thời gian tới cũng như chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành khác. Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tin tưởng rằng Nền tảng eCase sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm; qua đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, vị thế và uy tín của VIAC trong quá trình giải quyết các tranh chấp thương mại. 
 

Ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký VIAC 

Chia sẻ về cách thức nộp đơn giải quyết tranh chấp điện tử, ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký VIAC đưa ra một tình huống ví dụ cụ thể là một doanh nghiệp Việt Nam giao kết hợp đồng với đối tác là doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, rất không may, tranh chấp lần này phát sinh vì hai bên có những tranh cãi về việc cung cấp thư tín dụng đúng thời hạn và quyết định đưa tranh chấp ra trọng tài tại VIAC. 

Theo ông Dương, với nền tảng VIAC eCase, việc giải quyết tranh chấp giữa các bên sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho các doanh nghiệp thông qua cơ chế giải quyết trực tuyến. Theo đó, để bắt đầu việc giải quyết tranh chấp tại VIAC, Doanh nghiệp Nhật Bản không cần bay sang Việt Nam và tới văn phòng trực tiếp của VIAC để nộp Đơn khởi kiện; Luật sư của doanh nghiệp Nhật Bản cũng không cần phải di chuyển tới VIAC nhiều lần để nộp các tài liệu trong quá trình giải quyết tranh chấp mà hoàn toàn có thể thực hiện trực tuyến trên VIAC eCase. Các doanh nghiệp và luật sư thực hiện truy cập vào nền tảng VIAC eCase thông qua cổng vào từ Website VIAC hoặc trực tiếp trên 3 tên miền của VIAC eCase, ở đây Nền tảng cho phép người dùng có thể trực tiếp tạo Đơn khởi kiện theo form có sẵn hoặc có thể tải một Đơn khởi kiện đã có sẵn lên nền tảng. Những thông tin cơ bản của người trực tiếp thực hiện thao tác nộp Đơn được hệ thống lưu lại để đảm bảo tính trung thực của việc nộp Đơn. 

“Như vậy, trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên tranh chấp bao gồm cả doanh nghiệp Nhật Bản (Nguyên đơn), doanh nghiệp Việt Nam (Bị đơn) và các luật sư của họ đều có thể đệ trình các tài liệu, chứng cứ tới VIAC và Hội đồng trọng tài thông qua việc tải các tài liệu lên VIAC eCase thông qua các tài khoản được cấp. Chỉ cần truy cập vào VIAC eCase, dù họ đang ở đâu, múi giờ nào mà không phụ thuộc giờ làm việc của các văn phòng của VIAC. VIAC eCase tự động tạo Biên nhận điện tử để xác nhận việc tài liệu đã được tải thành công lên hệ thống”, ông Vũ Ánh Dương cho biết. 

 

Lễ ra mắt nền tảng Nộp đơn trực tuyến và Giải quyết tranh chấp VIAC 

Nối tiếp chương trình là phiên thảo luận với chủ đề: “Ứng dụng Công nghệ trong Giải quyết tranh chấp: Con đường phía trước” do TS. Hà Công Anh Bảo - Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Ngoại thương, Trọng tài viên VIAC điều phối. Ông cùng với các chuyên gia đã thảo luận và cùng giải đáp câu hỏi từ phía người dự xoay quanh nội dung trên. 

LS. Nguyễn Trung Nam – Luật sư thành viên cao cấp Dentons Luật Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC 

Ls. Nguyễn Trung Nam – Luật sư thành viên cao cấp Dentons Luật Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đảm bảo giải quyết tranh chấp an toàn, công bằng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ trong quản trị vụ kiện còn tương đối mới và vẫn chưa được áp dụng nhiều. 

“Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào xét xử, quản trị vụ kiện và nộp đơn trực tuyến để hoàn thiện hoá toàn bộ quy trình mà không cần văn bản giấy, tăng tính hiệu quả trong hoạt động trọng tài”, Ls. Nguyễn Trung Nam nhận định.  

 

Ông Lê Văn Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp 

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Lê Văn Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp cho rằng, nhu cầu giải quyết tranh chấp bằng thương mại điện tử hiện nay đang là vấn đề tất yếu. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số như Luật công nghệ thông tin, Luật giao dịch điện tử 2023 hay Nghị định 52/ 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử v.v. Tuy nhiên, những quy định pháp luật về thương mại điện tử hiện nay vẫn còn đang rải rác, chưa có văn bản quy định chính thức về quy trình giải quyết tranh chấp thông qua công nghệ đầy đủ. Bên cạnh đó, luật Trọng tài Thương mại được ban hành từ năm 2010 đang có rất nhiều quy định ràng buộc trong bối cảnh chuyển đổi số phát triển như vũ bão hiện nay.   

Ông Tuấn cũng chỉ ra những thách thức trong quá trình áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trọng tài giải quyết tranh chấp. Cụ thể, việc giải quyết tranh chấp trực tuyến sẽ được xác định giá trị pháp lý thế nào, chứng cứ điện tử liệu có được công nhận không và quan trọng nhất là địa điểm giải quyết trọng tài ở đâu khi Luật trọng tài hiện nay quy định địa điểm xét xử là địa điểm pháp lý. 

 

Bà Nguyễn Thị Mai - Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam 

Đồng quan điểm với ông Tuấn, bà Nguyễn Thị Mai - Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu quan điểm, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết tranh chấp hiện nay cũng còn khá khó khăn đối với những luật sư ở vùng xa, ít có cơ hội tiếp. Đồng thời, thể chế chưa đồng bộ cũng ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, áp dụng công nghệ trong hoạt động của các luật sư. 

"Luật Trọng tài Thương mại hiện hành đang có nhiều quy định không còn phù hợp, giống như một chiếc áo nhỏ và hẹp so với hoạt động trọng tài trong thời kỳ phát triển của công nghệ thông tin hiện nay", bà Mai nhìn nhận. 

Thông tin về việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin đối với giải quyết tranh chấp trong thời gian tới, ông Lê Văn Tuấn cho biết, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam để thảo luận sửa đổi Luật Trọng tài Thương mại 2010, trong đó bổ sung quy định về trọng tài trực tuyến, đồng thời tổng hợp, rà soát lại văn bản pháp luật hiện nay, nếu có quy định nào là rào cản, gây cản trở trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết quyết tranh chấp thì cũng sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân để hoạt động trọng tài trực tuyến phát triển. 

Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam, bà Mai cho biết, Liên đoàn hiện đang nghiên cứu đề án chuyển đổi số nội bộ. Không chỉ hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ tiết kiệm, phù hợp với xu thế, mà đề án còn mong muốn hình thành thói quen, thông lệ sử dụng công nghệ thông tin đối với các luật sư trong các hoạt động cấp thẻ, giải quyết khiếu nại. Thời gian qua, Liên đoàn đã mời chuyên gia, luật sư đang hành nghề trong nhiều lĩnh vực tham gia thảo luận chủ đề về ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử v.v. và được đón nhận tích cực. 

 

Một số hình ảnh tại Phiên A thuộc khuôn khổ VIAC SYMPOSIUM 2024 

 

Tin liên quan